Đinh lăng hay cây gỏi cá, nam dương sâm (danh pháp khoa học hai phần: Polyscias fruticosa, đồng nghĩa: Panax fruticosum, Panax fruticosus) là một loài cây nhỏ thuộc chi Đinh lăng (Polyscias) của họ Cam tùng (Araliaceae). Cây được trồng làm cảnh hay làm thuốc trong y học cổ truyền.
|
Cây Đinh Lăng |
Cây đinh lăng có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, dài 3-4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi "thuốc bắc". Lá tươi không có mùi thơm này.
Đi sâu vào những cây cùng có họ với nhân sâm (Panax ginseng) làm thuốc bổ, qua rất nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm. Viện y học Quân đội Việt Nam đã tìm ra cây đinh lăng với những tính chất của nhân sâm. Qua nghiên cứu và qua thực nghiệm của Viện y học Quân đội, kết quả nghiên cứu đã xác nhận rễ cây đinh lăng có tác dụng làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống được hiện tượng mệt mỏi, làm cho cơ thể ăn ngon, ngủ yên, tăng khả năng lao động và làm việc bằng trí óc, lên cân và chống độc.
Đinh lăng được dùng chủ yếu là phần lá và rễ. Rễ đinh lăng được thu hái vào mùa đông, ở những cây đã có từ 4-5 tuổi trở lên, cỡ độ tuổi này, rễ mới có nhiều hoạt chất. Khi đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với góc thân. Rễ nhỏ thì dùng cả, nếu rễ to thì dùng phần vỏ rễ. Thái nhỏ, phơi khô chỗ râm mát, thoáng gió để bảo đảm mùi thơm của dược liệu và bảo đảm hoạt chất của rễ. Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5% rồi sao qua, tẩm thêm 5% mật ong, sao vàng thơm.
Tính chất dược liệu: có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc, được dùng với các dạng như sau: Ngâm rượu: Rễ Đinh lăng khô, sao khi đã thu hái "không sao tẩm" 150gr tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu có độ cồn từ 35-40o trong 7-10 ngày. Thỉnh thoảng lắc đều. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 5-10ml, uống trước bữa ăn độ 30 phút.
Thuốc bột và thuốc viên: Rễ Đinh lăng đã sao tẩm (150gr) tán nhỏ, rây mịn, ngày uống 0,5 đến 1gr. Trộn với mật ong, vo thành viên, mỗi viên độ 0,25-0,50gr. Ngày uống 2-4 viên chia làm 2 lần, trước bữa ăn độ 30 phút. Thuốc hãm: Rễ Đinh lăng đã sao tẩm (10-15gr) hãm với nước sôi như hãm với nước chè, uống nhiều lần trong ngày. Nói chung rễ Đinh lăng tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Lá đinh lăng được dùng theo kinh nghiệm dân gian, chống bệnh co giật cho trẻ em, lấy lá non và lá già phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Thân cành Đinh lăng sắc uống với liều từ 20-30 g, chữa được bệnh đau lưng, mỏi gối, tê thấp, dùng phối hợp với rễ cây xấu hổ (ngủ ngày), cúc tần, cam thảo dây. Đinh lăng còn được dùng để chữa ban sởi, ho ra máu, kiết lỵ. Phối hợp với sữa ong chúa làm thuốc bổ là rất tốt. Chú ý: Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say, có hiện tượng mệt mỏi đối với cơ thể. Lá non đinh lăng còn được dùng làm rau ăn sống, làm gỏi cá v.v... và cũng là vị thuốc bổ tốt cho cơ thể.
-st-
Comments[ 0 ]
Post a Comment