Chi Thốt Nốt có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới châu Phi như Ethiopia, Niger, Nigeria, miền bắc Togo, Senegal v.v, Nam Á và New Guinea.
|
Cây Thốt Nốt |
Chúng là các loại cây thân cau / dừa cao thẳng đứng, có thể cao tới 30 m. Lá dài, hình chân vịt, dài 2 – 3 m. Các lá chét dài 0,6-1,2 m. Cuống lá (mo) mở rộng. Hoa nhỏ, mọc thành cụm dày dặc, thuộc loại đơn tính khác gốc. Hoa đực nhỏ, có 3 lá đài, 3 cánh rời xếp lợp, 6 nhị ngắn, bao phấn 2 ô. Hoa cái to, gốc có lá bắc, đài và tràng rời, bầu hình cầu, có 3 - 4 ô, 3 đầu nhị cong. Quả lớn màu nâu hoặc nâu hạt dẻ hình dạng hơi tròn với 3 hạch, hạt thuôn chia 3 chùy ở đỉnh. Tại Việt Nam mọc và được trồng ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Đây là loài cây biểu tượng không chính thức của Campuchia.
Trồng và sử dụng :
Các loài thốt nốt có tầm quan trọng kinh tế đáng kể và được trồng rộng rãi trong các khu vực nhiệt đới.
Cây thốt nốt là một trong những cây có tầm quan trọng nhất của Ấn Độ từ rất lâu, tại đây người ta sử dụng thốt nốt theo trên 800 kiểu khác nhau. Lá của nó được dùng làm mái che, thảm, giỏ, quạt, mũ, ô dù, cũng như làm vật liệu như giấy để viết.
Các lá với kích thước, hình dạng và kết cấu phù hợp, không quá già không quá non được chọn. Sau đó đem luộc với nước muối và bột nghệ. Đây là công đoạn bảo quản. Các lá này sau đó được sấy khô. Khi chúng đủ khô, mặt lá được đánh bóng bằng đá bọt và cắt ra theo các kích cỡ thích hợp. Tại một góc người ta đục lỗ. Từ mỗi lá có thể làm ra 4 trang. Việc viết trên loại "giấy" này cần dùng bút châm. Lối viết là dạng chữ thảo và nối liền với nhau. Các lá sau đó được buộc lại với nhau thành các thếp.
Các cuống (bẹ) lá cũng có thể dùng làm hàng rào và có thể lấy ra sợi rắn chắc phù hợp cho việc làm thừng, chão hay chổi. Gỗ màu đen là loại gỗ cứng, nặng và bền, có giá trị trong xây dựng.
Từ cây này người ta cũng tạo ra nhiều loại thức ăn. Các cây non được đem nấu nướng như là một loại rau hoặc nghiền, giã hay nướng để làm thức ăn.
Quả được ăn dưới dạng tươi hay nướng, người ta còn ăn cả các hạt non tựa như thạch. Dịch ngọt có thể thu được từ các bông mo non (kể cả hoa đực lẫn hoa cái). Nó được dùng lên men để làm một loại đồ uống, gọi là rượu arac, hoặc được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt. Tại Indonesia người ta gọi nó là Gula Java (đường Java) và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của người dân Java. Ngoài ra, nhựa từ thân cây cũng được dùng làm một loại thuốc nhuận tràng. Các giá trị y học cũng đã được quy cho các phần khác của cây.
Cây Thốt nốt - nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khơ-me Nam bộ :
Cây thốt nốt là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khơ-me Nam bộ, và cũng là cây đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí nầy.
Cây thốt nốt trông xa tựa cây dừa, nhưng thân cây to và cao, lá xòe tán rộng như lá cọ. Mùa vụ thốt nốt bắt đầu khoảng từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, trái to tròn cỡ trái dừa xiêm, vỏ màu tím sậm. Ruột trái có những ngăn múi (khoảng 4 – 5 múi), được phủ bên ngoài một lớp vỏ lụa mỏng, bên trong có cơm dầy màu trắng, mềm dẻo giống như cơm trái dừa nước nhưng thơm ngon hơn. Đây là thức uống giải nhiệt ngày hè rất tuyệt vời! Chỉ cần cho cơm thốt nốt vào ly, thêm một muỗng đường và vài cục nước đá là ta có thể thưởng thức ngay hương vị đặc trưng của loại trái cây độc đáo khó quên nơi miền biên ải Tây nam của tổ quốc.
Lựa mua trái thốt nốt, du khách chú ý nhìn cái cuống còn tươi (không bị khô), trái đều đặn không bị móp, giập, và dùng tay búng vào vỏ trái để biết trái già hoặc non. Trái già cơm cứng, có vị lạt. Trái vừa ăn, cơm mềm, bên trong có một ít nước hơi ngọt, có vị beo béo và mùi thơm thoảng, rất ngon. Nhưng để chắc ăn và tránh việc mang xách nặng nề, nên mua phần cơm thốt nốt do người bán tách sẵn, tuy giá có cao đôi chút, nhưng phải dè chừng kẻo mua hàng cũ, có mùi ôi (chua) không đạt chất lượng.
Quả thốt nốt to bằng quả dừa xiêm.
Đặc sản từ cây thốt nốt rất phong phú. Ngoài cơm trái, còn có nước thốt nốt tươi (hoặc lên men) giải khát, đường thốt nốt, chè đậu xanh thốt nốt, và bánh thốt nốt nữa...
Để có được thành phẩm đường thốt nốt bán ra thị trường, người dân phải tốn rất nhiều công sức. Khi trời tờ mờ sáng phải mang thùng nhựa leo lên ngọn cây thốt nốt, cắt đầu cuống bông và treo thùng vào đó để hứng nước rỉ ra từ cuống (cây sung sức có thể cho 30 lít/ngày). Chiều đến leo lên đem thùng nước thốt nốt xuống đổ vào chảo nấu ngay trong ngày (tránh bị chua) cho đến khi nước thốt nốt keo lại đổ vào khuôn bằng ống tre để nguội. Sau đó, cắt thành từng miếng, và dùng lá thốt nốt khô gói lại từng cây trông giống như đòn bánh tét.
Bình quân 4 lít nước thốt nốt cho ra 1 kg đường. Đây là loại đường miếng tròn, màu vàng nhạt, có vị ngọt dịu, beo béo, thơm ngon, dùng để nấu chè hay làm bánh rất tuyệt! Và, món chè đậu xanh thốt nốt là một trong những “món chè đặc trưng”, gây ấn tượng nhiều trong lòng du khách vì ngon và lạ.
Làm món chè đậu xanh thốt nốt tương đối đơn giản (tương tự như chè đậu xanh nha đam). Chỉ cần cho đậu xanh đãi vỏ vào nồi nấu mềm, thêm vài tán đường đường thốt nốt vào vừa khẩu vị. Sau cùng, cho cơm thốt nốt, nấu mềm. Nhớ làm thêm chén nước cốt dừa đậm đặc nữa. Khi múc chè ra chén ăn, chan nước cốt dừa lên là xong.
Sẽ là thiếu sót lớn khi đến đây mà không thưởng thức món bánh gói thốt nốt, và bánh bò thốt nốt. Nguyên liệu chính để làm món bánh thốt nốt là: bột gạo + đường thốt nốt + nước cốt dừa + đậu xanh đãi vỏ nấu chín tán nhuyễn + bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung vào bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng.
Gạo phải chọn loại gạo lúa mùa ngon (thường là gạo cũ) ngâm nước lạnh khoảng 2 tiếng, xay thành bột. Cho tất cả nguyên liệu (bột gạo + đường thốt nốt + ít muối + nước cốt dừa + bột vỏ trái thốt nốt), trừ (cơm dừa + đậu xanh) cho vừa khẩu vị vào nồi nấu với ngọn lửa liu riu và dùng vá khuấy đều cho đến khi hỗn hợp bột hơi sền sệt (chưa chín hẳn), nhắc xuống. Dùng muỗng múc từng cục bột (cỡ nắm tay) đặt lên lá chuối tươi, lấy tay ép nhẹ bột xuống thành miếng mỏng tròn, dẹp rồi cho đậu xanh nấu chín, dừa xắt sợi vào giữa và gói bánh lại thành hình chữ nhật (như bánh gói) hay hình tháp (như bánh ít) tùy ý.
Khi bánh gói xong cho tất cả vào xửng hấp chừng vài tiếng là bánh chín. Lột phần lá chuối bên ngoài chiếc bánh gói thốt nốt, nhìn bột bánh màu vàng sáp cùng với "mùi thơm đặc trưng" của thốt nốt, của đậu xanh khiến khách nhàn du khó lòng cưỡng được cơn thèm phải thưởng thức ngay tại chỗ.
Bánh bò thốt nốt.
Còn món bánh bò thốt nốt, nguyên liệu chính cũng tương tự như trên (không có cơm dừa xắt sợi + đậu xanh nấu chín), nhưng đặc biệt bột phải ủ qua đêm, và trong hỗn hợp bột phải có thêm một ít nước cơm rượu để bột dậy (bánh chín xốp có rễ tre mới ngon). Sau đó, dùng vá đổ bánh vào khuôn (hình dáng tròn, vuông tùy thích) cho vào xửng hấp chín.. Bánh bò thốt nốt mềm, xốp, ngọt, thơm ngon, rất quyến rũ.
-st-
Comments[ 0 ]
Post a Comment