Thưởng thức hoa là một thưởng thức không vụ lợi, một nhu cầu thẩm mỹ, một thú vui thanh tao của những con người đẹp cả về tâm hồn và cuộc sống. Chơi hoa và thưởng thức hoa cũng đã thành phong tục tao nhã lâu đời của người Thăng Long, Hà Nội. Từ đời Lý, thế kỷ XI, quanh Thăng Long đã có mấy làng trồng hoa để phục vụ cho nhu cầu trong kinh thành mà tên đất tên làng còn ghi dấu đến ngày nay: "đồng hoa", Yên Hoa, nay là làng Võng Thị (gần Bưởi); Nghi Tàm gần Hồ Tây; rồi các tên như Hồng Mai, Hoàng Mai, Tương Mai còn gọi là Kẻ Mơ cũng là đất hoa xưa. Xa hơn là Tây Hồ, Quảng Bá, Hữu Tiệp, Đại Yên nối tiếp nhau thành đất hoa cùng với dinh đào Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân) tạo thành một vành đai hoa xung quanh chốn kinh kỳ.
Các triều đại Lý, Trần, Lê đều xây dựng những vườn hoa đẹp trong kinh thành Thăng Long. Tất nhiên đó chỉ là những vườn ngự dành riêng cho vua chúa chứ chưa phải là những công viên dành cho dân chúng. Sử cũ còn ghi tên nhiều vườn hoa nổi tiếng ở thời Lý như vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh, vườn Xuân Quang, vườn Thương Lâm... Nhà dân, những nhà có lối sống tao nhã thông thường là bao bên ngoài một hàng rào Râm bụt, lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi, một hàng Duối lốm đốm quả vàng, hoặc một hàng Găng xén phẳng như bức tường. Một giàn “Thiên lý thơm nghìn dặm xa” đón khách vào cổng(Phùng Khắc Khoan). Ngõ nhỏ với hai dãy Tóc Tiên bên cạnh, trước sân là một luống Hồng, một luống Huệ, mấy khóm Nhài. Bên bể nước là một cây Lan tiêu hoặc một gốc Dạ Hợp. Trước hiên nhà, một cây Tầm xuân nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Hoặc cụm Ngâu to thành bụi được cắt tỉa tạo hình tròn đầy như chiếc mâm xôi, hương hoa Ngâu từ tốn, kín đáo...
Hoa là biểu trưng cho cái đẹp, mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng. Cúc tượng trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm Phú quý lòng hơn phú quý danh (Nguyễn Trãi). Mẫu đơn là vua hoa, hoa phú quý, hoa Thiên hương quốc sắc. Đào đầm ấm khí dương xuân, phù hợp với mọi người, mọi nhà. Lan được gọi là vương giả hương, thanh nhã, không phàm tục. Thuỷ tiên với vẻ đẹp trang trọng tiêu biểu cho sự tinh khiết. Trà mi, Hải đường, nụ lớn hoa to, cánh dày mà hương kín đáo, biểu tượng cho sự đầy dặn, phúc hậu. Nhài thoang thoảng, hoa mộc ngát đậm, hoa hồng thanh cao...
Đào thất thốn
Ngoài các loại Đào bích, Đào phai, Đào bạch. Hà Nội còn có giống đào Thất Thốn (bảy tấc) hoa mọc đôi rất đặc biệt. Hiện nay giống Đào này chỉ còn thấy ở một vài tư gia. Cùng họ với đào là Mai. Hà Nội có giống Mai trắng rất đẹp. Chơi Mai phải chọn thế cây phóng túng, cành thoáng, thân gầy mà hoa to. Một gốc Mai già, dáng “cằn cỗi” bỗng nảy chồi vút lên một nhánh cao dài là cây quý, gọi là điềm “lão mai sinh trưởng cán”. Làng Đông Mỹ, huyện Thanh Trì lại có một giống Mai đặc biệt, hoa cũng như quả đều từng đôi một, gọi là “Song mai”. Quả Song mai to, thịt thơm, được coi là một thứ quả quý, đặc sản của Hà Nội.
Người chơi hoa sành thường cho Mai đi với Cúc đại đoá vàng. Cúc là loài hoa đẹp, bền, hình dáng phong phú, có loại hoa đơn, có loại hoa kép, cánh cúc nhiều mà không rối không xô đẩy nhau, cành dài và cứng, lá xanh tươi, nhiều mầu sắc nhất, cũng như nhiều chủng loại nhất trong các loại hoa. Nào là Cúc châu sa, Đầm hồng, Hạc linh, Hoàng long trảo, Hoàng kim tháp, Bạch thọ mi, Hoàng yến, Vạn thọ, Kim tiền... Đó là tên gọi cổ, tên chữ, còn dân gian thì vẫn quen gọi nôm na bằng hình dáng và mầu sắc của hoa: Cúc vàng to, Cúc vàng nhỏ, Cúc vàng cụp, Cúc tiền chinh, Cúc trắng, Cúc đỏ, Cúc tía, Cúc hoa cà, Cúc mâm xôi, Cúc gấm, Cúc móng rồng, Cúc chi.v.v...
Chơi Cúc có nhiều cách: cắm lọ để bàn, trồng chậu đặt đôn sứ trong phòng hoặc dưới mái hiên, cạnh lồng chim, bể cá. Hay nhất là trồng từng khóm trong vườn cảnh, cho hoa nở giữa sương thu, gợi nguồn thi hứng cho khách làng thơ. Loài Cúc nhỏ phơi khô (cúc trắng hoặc vàng) còn dùng để làm vị thuốc và ướp chè.
Thanh nhã hơn thì chơi Lan, Địa lan hoặc Phong lan. Hoa Lan đa dạng, có loài hoa như đàn bướm bay, có loài hoa như chiếc hài gấm. Các giò hoa cao thấp giao nhau, xen nhau, đẹp ở chỗ không đơn điệu. Lan đẹp cả ở lá, nào là hình trụ, hình kiếm, lại có những thứ dóng trúc, có thứ mượt như nhung, có thứ mang gân vàng lấp lánh. Tết xưa, nhiều nhà có vài chậu Lan trang trí trong phòng, ngoài hiên. Nào Bạch ngọc, Hạc đính, Chu đính, Ngọc trâm, Mộc lan, Tố lan, Tiểu kiều, Đại kiều... Còn Phong lan được ốp vào một gốc cây mục như mọc ký sinh, treo thõng dưới giàn hoa leo hoặc dưới hàng hiên. Mùa xuân nồng ấm, Lan tai trâu ra hoa. Mùa hạ nắng gió có Phi điệp, Hồ điệp, Hoàng thảo, Da báo, Đuôi cáo hồng khoe sắc thắm. Muà thu mát mẻ có Quế lan hương. Mùa đông giá lạnh thì Hài vệ nữ chồi nụ... Mỗi giò Phong lan có tới vài chục hoa. Họ nhà Lan rất phong phú, chưa mấy ai, dù sành chơi, đã có được cả bộ sưu tập về Lan. Trong Vũ Trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã bình luận về lan như sau: Đời xưa gọi Lan là 'Vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã, bất phàm. Những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với hoa Lan được... Ta biết rằng người đời chơi Lan chỉ biết được cái hình của hoa chứ không biết được cái thần của hoa"...
Những người phong lưu thì chơi hoa Thuỷ tiên vào dịp tết. Củ Thuỷ tiên mua rất đắt nên không phải ai cũng dám chơi. Trồng củ vào trấu, tưới nước thì hoa, lá, mọc thẳng tự nhiên. Nhưng cái thú chơi Thuỷ tiên ở chỗ khéo gọt, tỉa. Dao tỉa phải sắc, người tỉa phải cắt, khía sao cho lá phải uốn lượn theo ý mình, còn củ thành hình con phượng, con lân, con rùa. Củ đã gọt tỉa được đặt trong chiếc cốc thuỷ tinh loe miệng có chân dùng riêng để bày Thuỷ tiên. Lại phải điều khiển hãm chậm lại hoặc thúc cho nở sớm đúng vào ngày mồng 1 Tết. Nhưng phải làm sao cho hoa chỉ nở “hàm tiếu” thôi, nghĩa là nở hé như mỉm cười thì mới đẹp. Nghề chơi thật lắm công phu! Tục chơi hoa Thuỷ tiên ở Hà Nội đã vượt khuôn khổ một thú vui thẩm mỹ gia đình, để trở thành hội thi hoa Thuỷ tiên vào dịp tết. Hằng năm tại các địa điểm: đình Yên phụ, đình Ngũ Xã, đình Nghĩa Lập (Hàng Đậu), đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã (Hàng Buồm), Văn Miếu những người chơi hoa thuỷ tiên lại đem hoa tới đó để khoe tài.
Có một thứ quả duy nhất được chơi như hoa. Đó là quả quất, sản phẩm đặc biệt của vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá. Để có được những chùm quả vàng tròn xoe, chín mọng, xum xuê, gần như che lấp cả tán lá xanh thẫm vào dịp Tết đâu phải dễ. Phải có kỹ thuật đảo quất. (Đảo vào tháng tư, chọn ngày không mưa, đánh cả cây lên, để vài ba ngày cho xuống lá (héo) mới đem trồng lại). Khi có quả phải bấm mầm tưới nước, gặp kỳ sương muối phải đốt đống rấm chống rét và rửa sương từng quả một.
Quất càng sai, quả càng đẹp, biểu tượng cho sự giàu có đông vui. Cây nào ít qủa phải cấy quả ngoài thêm vào. Chơi xong, quả quất vẫn còn dùng được để làm thuốc ho hoặc làm mứt.
Người già đất kinh thành còn có thú chơi cây cảnh, tiếng nghề nghiệp gọi là cây thế, cái đẹp của cây thế khác cung bậc với cái đẹp của màu sắc hoa. Đó là thu nhỏ lại một cảnh thiên nhiên có núi non, sông nước, cỏ cây... Một nghệ thuật làm cho cây cằn cỗi, còi cọc đi, không lớn lên được, năm ba chục năm cũng chỉ cao hơn một vài gang tay... Lại do bàn tay uốn tỉa, ghép tạo của con người mà cây có những thế đẹp. Thân đứng thẳng ngạo nghễ, hùng dũng trên núi đó là thế trực. Ngả rạp ngang rồi mới xoè tán là thế hoành. Hai cây ghép đôi là song trụ. Cây to cạnh cây nhỏ có tên gọi Phụ tử đồng khoa (hai cha con cùng thi đỗ một khoa). Lại uốn, nắn, gò cho cây thành thế ngoạ long (con rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa), bạt phong (gió cuốn)...
Những loài cây có thể trồng làm cây thế như: trúc xe điếu mọc lô xô bên núi đá là Thạch trúc. Các loại Tùng, Xanh, Si, Đu, Me, Cúc mốc, La hán, Thiên tuế, Lộc vừng, Bách tán, Vọng cách, Xương rồng... Mỗi thứ đều có những đặc điểm thích hợp để tạo thành cây thế. Xương rồng sống gan góc, bền bỉ, chịu đựng mọi khắc nghiệt của ngoại cảnh, thách thức bão tố cho nên được coi như tiêu biểu cho ý chí bất khuất. Tuy nhiên, nói đến phẩm chất cao thượng quân tử thì người Hà Nội xưa thích chơi tùng và trúc hơn. Ca dao truyền thống đất Long thành còn có câu:
Ai chơi ta cũng chơi cùng
Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu.
Thú chơi cây cảnh của các gia đình ở Hà Nội trước đây tuân theo một ước lệ đã thành công thức. Đó là cây phải có bộ, tứ hữu gồm Mai, Lan, Trúc, Cúc hoặc tứ quý gồm Mai, Sen, Cúc, Tùng hoặc Tùng, Cúc, Trúc, Mai.
Cùng với cây cảnh lại phải có thêm vài chiếc lồng nuôi chim quý như Khướu, Yểng, Hoạ mi, Sáo, Vẹt, Yến (thường là Hoàng yến, Bạch yến) hoặc một bể nuôi cá vàng, cá cảnh...
Trong đời sống văn hoá của người Thăng Long - Hà Nội, hoa và cây cảnh đã là một nhu cầu, góp phần làm cho sinh hoạt xã hội thêm phong phú, vui tươi. Hằng năm cứ đến ngày 24, 25 tháng Chạp những chợ hoa tết Hà Nội đã mở để phục vụ cho người đến chọn mua hoa Tết: Cống chéo Hàng Lược, Đồng Xuân, hàng Da, chợ Mơ, cửa Nam... Đến ngày 29, 30 Tết thì ở những nơi này có thể gọi là cả một rừng hoa thậm chí cả ở các đầu đường ngách phố, nơi thường xuyên bán rau quả, đâu đâu cũng có hàng dãy người bán và mua hoa. Đủ các loại hoa: Đào, Quất, Cúc, Thược Dược, Hồng, Đồng Tiền, Lay ơn... với đủ mọi màu sắc, muôn hồng ngàn tía. Bao nhiêu hoa cũng không thoả mãn cho người dân Hà Nội trong những ngày đón mừng Xuân mới.
Hoa ngày Tết quý nhất vẫn là Hoa Đào. Trên các bức tranh Tứ bình thường vẽ bốn thứ hoa trong một năm mà hoa Đào là tượng trưng cho mùa Xuân, đứng đầu trong các loại hoa bốn mùa.
Tương truyền, vào dịp Xuân Kỷ Dậu (1789) sau khi đại thắng quân Thanh, từ Thăng Long vua Quang Trung đã sai quân cầm cành Đào phi ngựa hoả tốc vào Phú Xuân, tặng người vợ yêu quý của mình là Ngọc Hân công chúa, báo tin thắng trận và biểu lộ tấm lòng son sắt của mình. Trồng hoa đào thì không đâu giỏi bằng dân Nhật Tân (quận Tây Hồ) một làng ở ven sông Hồng, phía Tây bắc Hồ Tây. Các cụ già ở Nhật Tân kể lại rằng nghề trồng đào bích ở đây đã có từ lâu đời. Phải chọn giống từ các nơi đem về ghép lại, lai tạo sao cho cây Đào có hoa đỏ thắm, tán tròn và to, hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán và giữ được tươi tốt cho đến hết tháng Giêng ta... Phải có kỹ thuật cao và mất nhiều công theo dõi chăm sóc. Nhân dân Nhật Tân rất tự hào với lời ca.
Hoa đào đẹp lối Nhật Tân
Yêu hoa hoa nở đầy sân lụa đào.
Từ khi đất nước được thống nhất, hàng năm tại công viên Lê-Nin lại mở Hội Hoa Xuân, tập trung hết những tinh hoa của nghệ thuật trồng hoa, cắm hoa, giới thiệu những loại hoa quý không chỉ riêng ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh thành khác.
Hội Hoa Xuân đã thu hút hàng vạn người tới thưởng hoa, trở thành một sinh hoạt văn hoá đặc sắc, một tục lệ đẹp của nhân dân Hà Nội trong dịp đón Xuân.
-st-
Thú chơi hoa này thật tao nhã và thật đẹp , quá tuyệt vời đấy chứ
ReplyDelete.............................
Mr. Khoa
Click để xem chi tiết:
thép hộp mạ kẽm | thép hòa phát