Thú chơi hoa cây cảnh của người Hà Nội

17:00 |
Thưởng thức hoa là một thưởng thức không vụ lợi, một nhu cầu thẩm mỹ, một thú vui thanh tao của những con người đẹp cả về tâm hồn và cuộc sống. Chơi hoa và thưởng thức hoa cũng đã thành phong tục tao nhã lâu đời của người Thăng Long, Hà Nội. Từ đời Lý, thế kỷ XI, quanh Thăng Long đã có mấy làng trồng hoa để phục vụ cho nhu cầu trong kinh thành mà tên đất tên làng còn ghi dấu đến ngày nay: "đồng hoa", Yên Hoa, nay là làng Võng Thị (gần Bưởi); Nghi Tàm gần Hồ Tây; rồi các tên như Hồng Mai, Hoàng Mai, Tương Mai còn gọi là Kẻ Mơ cũng là đất hoa xưa. Xa hơn là Tây Hồ, Quảng Bá, Hữu Tiệp, Đại Yên nối tiếp nhau thành đất hoa cùng với dinh đào Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân) tạo thành một vành đai hoa xung quanh chốn kinh kỳ.

Các triều đại Lý, Trần, Lê đều xây dựng những vườn hoa đẹp trong kinh thành Thăng Long. Tất nhiên đó chỉ là những vườn ngự dành riêng cho vua chúa chứ chưa phải là những công viên dành cho dân chúng. Sử cũ còn ghi tên nhiều vườn hoa nổi tiếng ở thời Lý như vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh, vườn Xuân Quang, vườn Thương Lâm... Nhà dân, những nhà có lối sống tao nhã thông thường là bao bên ngoài một hàng rào Râm bụt, lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi, một hàng Duối lốm đốm quả vàng, hoặc một hàng Găng xén phẳng như bức tường. Một giàn “Thiên lý thơm nghìn dặm xa” đón khách vào cổng(Phùng Khắc Khoan). Ngõ nhỏ với hai dãy Tóc Tiên bên cạnh, trước sân là một luống Hồng, một luống Huệ, mấy khóm Nhài. Bên bể nước là một cây Lan tiêu hoặc một gốc Dạ Hợp. Trước hiên nhà, một cây Tầm xuân nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Hoặc cụm Ngâu to thành bụi được cắt tỉa tạo hình tròn đầy như chiếc mâm xôi, hương hoa Ngâu từ tốn, kín đáo...

Hoa là biểu trưng cho cái đẹp, mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng. Cúc tượng trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm Phú quý lòng hơn phú quý danh (Nguyễn Trãi). Mẫu đơn là vua hoa, hoa phú quý, hoa Thiên hương quốc sắc. Đào đầm ấm khí dương xuân, phù hợp với mọi người, mọi nhà. Lan được gọi là vương giả hương, thanh nhã, không phàm tục. Thuỷ tiên với vẻ đẹp trang trọng tiêu biểu cho sự tinh khiết. Trà mi, Hải đường, nụ lớn hoa to, cánh dày mà hương kín đáo, biểu tượng cho sự đầy dặn, phúc hậu. Nhài thoang thoảng, hoa mộc ngát đậm, hoa hồng thanh cao...

Đào thất thốn

Ngoài các loại Đào bích, Đào phai, Đào bạch. Hà Nội còn có giống đào Thất Thốn (bảy tấc) hoa mọc đôi rất đặc biệt. Hiện nay giống Đào này chỉ còn thấy ở một vài tư gia.      Cùng họ với đào là Mai. Hà Nội có giống Mai trắng rất đẹp. Chơi Mai phải chọn thế cây phóng túng, cành thoáng, thân gầy mà hoa to. Một gốc Mai già, dáng “cằn cỗi” bỗng nảy chồi vút lên một nhánh cao dài là cây quý, gọi là điềm “lão mai sinh trưởng cán”. Làng Đông Mỹ, huyện Thanh Trì lại có một giống Mai đặc biệt, hoa cũng như quả đều từng đôi một, gọi là “Song mai”. Quả Song mai to, thịt thơm, được coi là một thứ quả quý, đặc sản của Hà Nội.

Người chơi hoa sành thường cho Mai đi với Cúc đại đoá vàng. Cúc là loài hoa đẹp, bền, hình dáng phong phú, có loại hoa đơn, có loại hoa kép, cánh cúc nhiều mà không rối không xô đẩy nhau, cành dài và cứng, lá xanh tươi, nhiều mầu sắc nhất, cũng như nhiều chủng loại nhất trong các loại hoa. Nào là Cúc châu sa, Đầm hồng, Hạc linh, Hoàng long trảo, Hoàng kim tháp, Bạch thọ mi, Hoàng yến, Vạn thọ, Kim tiền... Đó là tên gọi cổ, tên chữ, còn dân gian thì vẫn quen gọi nôm na bằng hình dáng và mầu sắc của hoa: Cúc vàng to, Cúc vàng nhỏ, Cúc vàng cụp, Cúc tiền chinh, Cúc trắng, Cúc đỏ, Cúc tía, Cúc hoa cà, Cúc mâm xôi, Cúc gấm, Cúc móng rồng, Cúc chi.v.v...

Chơi Cúc có nhiều cách: cắm lọ để bàn, trồng chậu đặt đôn sứ trong phòng hoặc dưới mái hiên, cạnh lồng chim, bể cá. Hay nhất là trồng từng khóm trong vườn cảnh, cho hoa nở giữa sương thu, gợi nguồn thi hứng cho khách làng thơ. Loài Cúc nhỏ phơi khô (cúc trắng hoặc vàng) còn dùng để làm vị thuốc và ướp chè.

Thanh nhã hơn thì chơi Lan, Địa lan hoặc Phong lan. Hoa Lan đa dạng, có loài hoa như đàn bướm bay, có loài hoa như chiếc hài gấm. Các giò hoa cao thấp giao nhau, xen nhau, đẹp ở chỗ không đơn điệu. Lan đẹp cả ở lá, nào là hình trụ, hình kiếm, lại có những thứ dóng trúc, có thứ mượt như nhung, có thứ mang gân vàng lấp lánh. Tết xưa, nhiều nhà có vài chậu Lan trang trí trong phòng, ngoài hiên. Nào Bạch ngọc, Hạc đính, Chu đính, Ngọc trâm, Mộc lan, Tố lan, Tiểu kiều, Đại kiều... Còn Phong lan được ốp vào một gốc cây mục như mọc ký sinh, treo thõng dưới giàn hoa leo hoặc dưới hàng hiên. Mùa xuân nồng ấm, Lan tai trâu ra hoa. Mùa hạ nắng gió có Phi điệp, Hồ điệp, Hoàng thảo, Da báo, Đuôi cáo hồng khoe sắc thắm. Muà thu mát mẻ có Quế lan hương. Mùa đông giá lạnh thì Hài vệ nữ chồi nụ... Mỗi giò Phong lan có tới vài chục hoa. Họ nhà Lan rất phong phú, chưa mấy ai, dù sành chơi, đã có được cả bộ sưu tập về Lan. Trong Vũ Trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã bình luận về lan như sau: Đời xưa gọi Lan là 'Vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã, bất phàm. Những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với hoa Lan được... Ta biết rằng người đời chơi Lan chỉ biết được cái hình của hoa chứ không biết được cái thần của hoa"...

Những người phong lưu thì chơi hoa Thuỷ tiên vào dịp tết. Củ Thuỷ tiên mua rất đắt nên không phải ai cũng dám chơi. Trồng củ vào trấu, tưới nước thì hoa, lá, mọc thẳng tự nhiên. Nhưng cái thú chơi Thuỷ tiên ở chỗ khéo gọt, tỉa. Dao tỉa phải sắc, người tỉa phải cắt, khía sao cho lá phải uốn lượn theo ý mình, còn củ thành hình con phượng, con lân, con rùa. Củ đã gọt tỉa được đặt trong chiếc cốc thuỷ tinh loe miệng có chân dùng riêng để bày Thuỷ tiên. Lại phải điều khiển hãm chậm lại hoặc thúc cho nở sớm đúng vào ngày mồng 1 Tết. Nhưng phải làm sao cho hoa chỉ nở “hàm tiếu” thôi, nghĩa là nở hé như mỉm cười thì mới đẹp. Nghề chơi thật lắm công phu! Tục chơi hoa Thuỷ tiên ở Hà Nội đã vượt khuôn khổ một thú vui thẩm mỹ gia đình, để trở thành hội thi hoa Thuỷ tiên vào dịp tết. Hằng năm tại các địa điểm: đình Yên phụ, đình Ngũ Xã, đình Nghĩa Lập (Hàng Đậu), đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã (Hàng Buồm), Văn Miếu những người chơi hoa thuỷ tiên lại đem hoa tới đó để khoe tài.

Có một thứ quả duy nhất được chơi như hoa. Đó là quả quất, sản phẩm đặc biệt của vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá. Để có được những chùm quả vàng tròn xoe, chín mọng, xum xuê, gần như che lấp cả tán lá xanh thẫm vào dịp Tết đâu phải dễ. Phải có kỹ thuật đảo quất. (Đảo vào tháng tư, chọn ngày không mưa, đánh cả cây lên, để vài ba ngày cho xuống lá (héo) mới đem trồng lại). Khi có quả phải bấm mầm tưới nước, gặp kỳ sương muối phải đốt đống rấm chống rét và rửa sương từng quả một.

Quất càng sai, quả càng đẹp, biểu tượng cho sự giàu có đông vui. Cây nào ít qủa phải cấy quả ngoài thêm vào. Chơi xong, quả quất vẫn còn dùng được để làm thuốc ho hoặc làm mứt.

Người già đất kinh thành còn có thú chơi cây cảnh, tiếng nghề nghiệp gọi là cây thế, cái đẹp của cây thế khác cung bậc với cái đẹp của màu sắc hoa. Đó là thu nhỏ lại một cảnh thiên nhiên có núi non, sông nước, cỏ cây... Một nghệ thuật làm cho cây cằn cỗi, còi cọc đi, không lớn lên được, năm ba chục năm cũng chỉ cao hơn một vài gang tay... Lại do bàn tay uốn tỉa, ghép tạo của con người mà cây có những thế đẹp. Thân đứng thẳng ngạo nghễ, hùng dũng trên núi đó là thế trực. Ngả rạp ngang rồi mới xoè tán là thế hoành. Hai cây ghép đôi là song trụ. Cây to cạnh cây nhỏ có tên gọi Phụ tử đồng khoa (hai cha con cùng thi đỗ một khoa). Lại uốn, nắn, gò cho cây thành thế ngoạ long (con rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa), bạt phong (gió cuốn)...

Những loài cây có thể trồng làm cây thế như: trúc xe điếu mọc lô xô bên núi đá là Thạch trúc. Các loại Tùng, Xanh, Si, Đu, Me, Cúc mốc, La hán, Thiên tuế, Lộc vừng, Bách tán, Vọng cách, Xương rồng... Mỗi thứ đều có những đặc điểm thích hợp để tạo thành cây thế. Xương rồng sống gan góc, bền bỉ, chịu đựng mọi khắc nghiệt của ngoại cảnh, thách thức bão tố cho nên được coi như tiêu biểu cho ý chí bất khuất. Tuy nhiên, nói đến phẩm chất cao thượng quân tử thì người Hà Nội xưa thích chơi tùng và trúc hơn. Ca dao truyền thống đất Long thành còn có câu:

Ai chơi ta cũng chơi cùng
Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu.

Thú chơi cây cảnh của các gia đình ở Hà Nội trước đây tuân theo một ước lệ đã thành công thức. Đó là cây phải có bộ, tứ hữu gồm Mai, Lan, Trúc, Cúc hoặc tứ quý gồm Mai, Sen, Cúc, Tùng hoặc Tùng, Cúc, Trúc, Mai.
Cùng với cây cảnh lại phải có thêm vài chiếc lồng nuôi chim quý như Khướu, Yểng, Hoạ mi, Sáo, Vẹt, Yến (thường là Hoàng yến, Bạch yến) hoặc một bể nuôi cá vàng, cá cảnh...

Trong đời sống văn hoá của người Thăng Long - Hà Nội, hoa và cây cảnh đã là một nhu cầu, góp phần làm cho sinh hoạt xã hội thêm phong phú, vui tươi. Hằng năm cứ đến ngày 24, 25 tháng Chạp những chợ hoa tết Hà Nội đã mở để phục vụ cho người đến chọn mua hoa Tết: Cống chéo Hàng Lược, Đồng Xuân, hàng Da, chợ Mơ, cửa Nam... Đến ngày 29, 30 Tết thì ở những nơi này có thể gọi là cả một rừng hoa thậm chí cả ở các đầu đường ngách phố, nơi thường xuyên bán rau quả, đâu đâu cũng có hàng dãy người bán và mua hoa. Đủ các loại hoa: Đào, Quất, Cúc, Thược Dược, Hồng, Đồng Tiền, Lay ơn... với đủ mọi màu sắc, muôn hồng ngàn tía. Bao nhiêu hoa cũng không thoả mãn cho người dân Hà Nội trong những ngày đón mừng Xuân mới.

Hoa ngày Tết quý nhất vẫn là Hoa Đào. Trên các bức tranh Tứ bình thường vẽ bốn thứ hoa trong một năm mà hoa Đào là tượng trưng cho mùa Xuân, đứng đầu trong các loại hoa bốn mùa.

Tương truyền, vào dịp Xuân Kỷ Dậu (1789) sau khi đại thắng quân Thanh, từ Thăng Long vua Quang Trung đã sai quân cầm cành Đào phi ngựa hoả tốc vào Phú Xuân, tặng người vợ yêu quý của mình là Ngọc Hân công chúa, báo tin thắng trận và biểu lộ tấm lòng son sắt của mình. Trồng hoa đào thì không đâu giỏi bằng dân Nhật Tân (quận Tây Hồ) một làng ở ven sông Hồng, phía Tây bắc Hồ Tây. Các cụ già ở Nhật Tân kể lại rằng nghề trồng đào bích ở đây đã có từ lâu đời. Phải chọn giống từ các nơi đem về ghép lại, lai tạo sao cho cây Đào có hoa đỏ thắm, tán tròn và to, hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán và giữ được tươi tốt cho đến hết tháng Giêng ta... Phải có kỹ thuật cao và mất nhiều công theo dõi chăm sóc. Nhân dân Nhật Tân rất tự hào với lời ca.

Hoa đào đẹp lối Nhật Tân
Yêu hoa hoa nở đầy sân lụa đào.

Từ khi đất nước được thống nhất, hàng năm tại công viên Lê-Nin lại mở Hội Hoa Xuân, tập trung hết những tinh hoa của nghệ thuật trồng hoa, cắm hoa, giới thiệu những loại hoa quý không chỉ riêng ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh thành khác.

Hội Hoa Xuân đã thu hút hàng vạn người tới thưởng hoa, trở thành một sinh hoạt văn hoá đặc sắc, một tục lệ đẹp của nhân dân Hà Nội trong dịp đón Xuân.

-st-
Read more…

Lập trình viên chuyển nghề dạy chim hót, thu tiền tỷ mỗi năm

12:08 |
Từng du học tại Nga, sau đó về nước tìm được một công việc lập trình viên với mức lương ổn định nhưng anh Phúc mê nuôi chim nên bỏ nghề.

Anh Nguyễn Văn Phúc, 27 tuổi, ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) từng có du học 4 năm ở Nga về lập trình công nghệ thông tin. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp và về nước, Phúc tìm được một công việc ổn định với mức lương khá. "Làm được một năm, tôi quyết định bỏ nghề về nuôi chim với bố. Phần vì mức lương chưa thỏa đáng với công sức mình bỏ ra, phần vì tôi mê nghề nuôi chim quá”, Phúc kể.

Ngày anh bỏ việc văn phòng về quê, không khí trong nhà Phúc trầm lắng vô cùng. Hàng xóm thì lời ra tiếng vào, bảo rằng Phúc dại, bỏ một công việc bao người mơ ước để về làm nông dân… Nghĩ đến một đống tiền của đã đầu tư cho Phúc ăn học, gia đình anh ra sức khuyên ngăn, nhưng cũng chẳng ăn thua. Ông Nguyễn Văn Vân - bố Phúc bảo: “Nó là người quyết đoán lắm, đã nói là làm nên cuối cùng gia đình đành chiều theo”.

Anh Nguyễn Văn Phúc bên lồng chim cu gáy hàng năm mang lại tiền tỷ cho anh và gia đình.


Lúc đầu chưa có vốn, Phúc vay mượn gia đình, anh em mua được 200 đôi bồ câu Pháp. Nuôi được 3 tháng thì đàn chim bỗng thi nhau chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vừa cụt vốn, vừa hụt hẫng, Phúc chán nản và có ý định bỏ nghề... “Bố tôi có kinh nghiệm nuôi bồ câu đã hơn chục năm nay, nhưng tôi không nuôi theo cách của bố. Vì kinh nghiệm còn non, nên tôi thất bại. Ngã rồi thì phải đứng dậy mà đi thôi...”, Phúc kể lại.

Vậy là ngày ngày, Phúc học hỏi thêm kinh nghiệm từ bố, rồi tham khảo sách, báo và đi tham quan mô hình ở khắp nơi. Cứ nghe tin ở đâu có người nuôi chim bồ câu giỏi là anh tìm đến học hỏi. Có kiến thức, kỹ thuật trong tay, anh dần tăng đàn, từ 200 đôi lên 500 đôi và bây giờ Phúc đã có hơn 5.000 đôi chim bồ câu, cu gáy. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường khoảng 1.200 đôi bồ câu thịt và giống; 200 đôi cu gáy và khoảng 150 đôi bồ câu Mỹ, thu về 150 – 220 triệu đồng.

Mặc dù nuôi bồ câu rất thành công, nhưng Phúc lại được người ta biết đến chủ yếu với “biệt tài” nuôi chim cu gáy. Phúc tâm sự, sau những thành công trong việc nuôi chim bồ câu, anh nhận thấy nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim cu gáy rất lớn. Hơn nữa loại chim này rất hiếm, chủ yếu bắt được ngoài tự nhiên chứ ít ai thuần dưỡng nuôi sinh sản được, do vậy giá chim cũng không hề rẻ. Năm 2011, anh bắt đầu nuôi chim cu gáy, ban đầu mua được 20 đôi, rồi gây dựng dần lên.

Theo anh Phúc, một con cu gáy có giá phải đảm bảo có mã ngỗng (to con, ngực nở, chân to, cánh rộng), vành hạt cườm ở cổ nhỏ, đều (cườm vừng thì giọng thổ, cườm nổ thì giọng kim), khi gù phải được 4 - 5 lèo và cuối cùng là sự thuần thục, chỉ cần vẫy tay là gù.

Nuôi cu gáy đã công phu, dạy cho cu gáy hót còn công phu gấp bội. Hỏi về cách luyện hót cho chim, anh Phúc cười bảo: “Mình có lợi thế là biết về công nghệ thông tin. Mình sưu tầm vài giọng hót chuẩn, rồi mở loa vào mỗi buổi sáng cho chim hót theo. Cho chúng nghe nhiều lần để quen với tiếng hót, rồi dạy chúng hót theo sự điều khiển của mình…”

Thông thường để có con chim vừa hay, vừa đẹp phải luyện ít nhất 2 năm. “Tôi huấn luyện rất nhiều con rồi, nhưng ấn tượng và thành công nhất là con cu gáy '3 lèo 6 bổ' (tức gù được 3 lèo và bổ liên tục 6 cái), được khách mua trả 19 triệu đồng. Năm ngoái, tôi thu về hơn 3 tỷ đồng, lãi hơn một tỷ đồng”, Phúc cho hay.

internet
Read more…

Các loại cây cảnh trồng trong nước.

15:27 |
Một số kỹ thuật cơ bản cần chú ý để chăm sóc cây trồng trong nước:
- Vị trí đặt cây : nơi có ánh sáng tự nhiên, nếu đặt gần cửa kiếng thì nên cách xa ít nhất 30cm, tránh ánh sáng gay gắt trực tiếp, tránh luồng gió trực tiếp từ quạt hay máy lạnh
- Cho cây ra ngoài trời hứng ánh nắng trong vòng 2 tiếng, khoảng từ 8 - 10 giờ sáng (01 lần/tuần)
- Thay nước dung dịch trồng cây: ít nhất 1lần/tuần. Đổ sạch nước dung dịch cũ, rửa sạch bình và rễ cây (đưa rễ cây vào vòi nước để rửa, không dùng tay chà vào rễ cây), sau đó đặt cây vào bình, đổ nước dung dịch mới (đã pha loãng) sao cho ngập từ 2/3 đến 3/4 bộ rễ. Tuyệt đối không đổ trực tiếp dung dịch chưa pha loãng lên rễ cây. Nên thêm nước thường xuyên vì nước rất dễ bay hơi nếu đặt cây trong phòng máy lạnh. Vệ sinh thân và lá cây cảnh bằng nước thường.Sẽ tốt hơn nếu bạn dùng bình xịt phun sương để tưới cây.
Cách pha dung dịch: Tỉ lệ 5ml dung dịch (1 nắp đầy) + 1 lít nước, lắc hoặc khuấy đều.
Lưu ý :Nếu bạn không sử dụng dung dịch thì cây vẫn sống được trong môi trường nước.Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải thay nước thường xuyên hơn để đảm bảo lượng khoáng chất trong nước mà cây hấp thụ.

Cây Cung Điện Vàng còn có tên gọi khác là cung điện hoàng hậu, hoàng mai mini. Đây là loại cây thuộc dòng sản phẩm "bình dân"
Mỗi tuần ít nhất 1 lần nên đưa cây ra hứng ánh sáng liên tục trong 2 giờ vào buổi sáng từ 7 giờ - 9 giờ. Cây Cung Điện Vàng có thể trồng được trong nhà, nơi ít ánh sáng và trong môi trường máy lạnh.
Khi trồng loại cây này ở nơi ẩm thấp, ít ánh sáng cây sẽ dễ bị bệnh thối lá, khi bị bệnh này, trên lá cây xuất hiện các đốm bị nhũn ra, có màu nâu đen, hoặc thối ở cuống lá sẽ làm cho lá bị gãy ở chỗ thối.


Cây Trầu bà sữa là sự hòa quyện giữa màu xanh ngát của cây và màu trắng sữa, tạo nên một sự độc đáo riêng biệt của cây. Cây thuộc họ dây leo thể hiện sự không ngừng nỗ lực vươn tới. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy Cây trầu bà giảm thiểu ô nhiễm ozon rất tốt, hút các khí độc từ máy vi tính. Thích hợp trưng trong bàn học, bàn làm việc. Mang lại vẻ xanh mát cho phòng làm việc, phòng học của bạn.


Cây đại đế lá xoắn có thể trồng theo phương pháp thủy canh nhưng tuổi thọ của chúng không cao. Chúng phù hợp với loại đất tơi xốp, ít bám dính, giữ ẩm tốt; hổn hợp đất trồng có thể là đất thịt, than bùn và đá trân châu hoặc bầu đất trồng lan gồm vỏ cây, than củi, sỏi nhỏ.



Cây đế vương đỏ thích hợp môi trường thiếu nắng. Cây thể hiện tinh thần đế vương, quyền uy. Thích hợp cho người quản lý, lãnh đạo trong một tổ chức. Ngoài ra, tên cây cũng góp phần thể hiện ý chí không ngừng nỗ lực để hướng tới vị trí cao hơn. Cây mang hai màu xanh khác nhau, tạo nên sự hài hòa bắt mắt và giúp chúng ta thư giãn đầu óc, bình thản trong tâm hồn mỗi khi ngắm nhìn chúng. Ngoài ra, các lá cây luôn xòe rộng, thể hiện tinh thần mến khách, chính vì thế, cây rất được ưa chuộng đặt tại lối ra vào như một lời gợi mời chào đón mọi người.
Ý nghĩa phong thủy: Cây giúp xua đi tà ma, chướng khí và góp phần mang lại sức khỏe, sự thanh bình trong tâm hồn.


Cây bao thanh thiên, cung điện đỏ mang ý nghĩa thanh liêm, chính trực và sự mạnh mẽ của vị Quan Bao Thanh Thiên
Cung điện đỏ mang ý nghĩa quý phái và sang trọng, là cây thủy canh để bàn như một lời chúc phúc cho cá nhân hay doanh nghiệp luôn được thịnh vượng, phát tài. Với màu sắc tươi tắn nó còn có thể mang lại cho bạn tinh thần phấn chấn và thư giãn trong những giờ làm việc căng thẳng.



Cây bách thủy tiên mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, miền vui đến cho bạn, dáng cây thanh tao quí phái, thích hợp cho việc trang trí trong nhà, bàn khách, bàn học, bàn làm việc. là loại cây trồng trong nước rất đươc nhiều người yêu thích.



Cây cần thăng là một trong số những cây bonsai đẹp và quan trọng là có thể sống trong môi trường nước sau khi được "thuần" đúng cách và công phu. Bạn có thể dùng dây thép mảnh để uốn tạo dáng cho cây theo ý thích



Cây cau tiểu trâm, dừa tụ trân với hình dáng nhỏ xinh thể hiện sự không ngừng vươn lên, vượt qua mọi trở lại trong cuộc sống. Cau tiểu trâm thích nghi tốt với môi trường thiếu sáng. Đặt cây trên bàn làm việc, ngoài việc góp phần tô điểm thêm vẻ sang trọng cho không gian sống của quý khách. Cây còn giúp hút bớt khí độc, làm sạch không gian sống.




Cây si ấn độ ngoài tác dụng lọc không khí còn được áp dụng chữa trị nhiều bệnh trong dân gian


-internet-
Read more…

Tiến sĩ bỏ nghề về Việt Nam trồng ớt

11:52 |
Quyết định từ bỏ công việc ổn định 9 năm ở Hàn Quốc mà nhiều người mơ ước, chàng tiễn sĩ Nguyễn Văn Dân cầm tấm bằng tiến sĩ về quê để trồng ớt. Chuyện tưởng đùa này đang hiện hữu ở Vĩnh Phúc.
Anh là người đầu tiên mang giống ớt Mỹ Nhân Vương về Việt Nam.



Trở về
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thạch Thất (Hà Nội) nhưng Nguyễn Văn Dân lại chọn vùng quê Vĩnh Phúc để khởi đầu cho cái nghiệp trồng ớt của mình. Hiện anh là Giám đốc Công ty Cổ phần STEVIA VENTURET chuyên thu mua và chế biến ớt xuất khẩu.
Nguyễn Văn Dân sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo có 3 anh chị em. Cuộc sống của một gia đình bần nông khó khăn, cơm không đủ ăn thường xuyên phải ăn sắn thay cơm, ngoài giờ đi học, Dân còn phụ giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ, đan lát. Thấu hiểu nỗi khổ cực của gia đình, cậu bé Dân đã nhận thức được rằng, chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi nghèo khó. Từ đó anh Dân luôn nỗ lực trong học tập với tâm niệm phải học thật giỏi.
Chính sự cố gắng không ngừng của mình, anh Dân đã đỗ vào hai trường đại học cùng lúc: Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) và Đại học nông nghiệp Hà Nội. Sau nhiều ngày đắn đo lựa chọn, anh quyết định theo học khoa Sinh của trường Đại học Tổng hợp. Một học bổng giúp anh Dân được sang Hàn Quốc du học chuyên ngành Sinh học. Sau hai năm miệt mài học tập, anh được giữ lại làm việc tại Hàn Quốc.

Cuộc sống của anh không còn gì phải phàn nàn khi anh tìm được một nửa của mình cũng là một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và một cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Nhưng hai tiếng “quê hương” luôn đau đáu vẫy gọi anh.
Nguyễn Văn Dân quyết định từ bỏ 9 năm sinh sống ở Hàn Quốc và một công việc thuận lợi để về lập nghiệp ở Việt Nam. “Khi quyết định trở về Việt Nam , từ bỏ một môi trường học tập và làm việc tốt mà nhiều người mong muốn thì đã có người cho rằng tôi quá mạo hiểm và có chút… điên rồ” - anh Dân chia sẻ.
Về nước, anh tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu sinh học, anh vào làm việc ở Viện ứng dụng công nghệ của Bộ khoa học. Những ngày đầu mới về nước, anh Dân không tránh khỏi sự hụt hẫng về môi trường làm việc, cuộc sống. Đã nhiều lần anh có ý định quay lại Hàn Quốc.

Khát vọng trỗi dậy
Cái “duyên” giữa anh và ớt Mỹ Nhân Vương cũng thật tình cờ trong một cuộc họp hợp tác giới thiệu về giống ớt. Ngay lập tức trong đầu anh xuất hiện suy nghĩ “sao giống ớt đặc biệt này lại chưa được trồng ở Việt Nam”.
Nghĩ trong đầu, ngay lập tức anh dày công tìm hiểu về giống ớt có cái tên đặc biệt Mỹ Nhân Vương này. Anh Dân lặn lội khắp nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về các đặc điểm sinh học của giống ớt đặc biệt này. Anh vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách nhập giống về Việt Nam . Do đây là giống ớt quý nên rất khó mua được giống, một phần vì giá cả đắt đỏ, một phần do các nước bạn không muốn phát tán giống ớt đặc biệt này. Anh kể vui: “Có lần mình phải cho hạt ớt vào trong túi cà phê để qua được cửa kiểm soát mới mang được ít giống về Việt Nam trồng thử nghiệm”.
Khó khăn là vậy nhưng nó lại càng thôi thức anh Dân quyết tâm trồng bằng được giống ớt lạ này ở quê hương. Qua các giáo sư đã từng được học ơ Hàn Quốc, Singapore, anh nhờ giúp để có được các thông số về giống, cách chăm sóc, thu hoạch.
Khi đã có được hạt giống ớt trong tay, anh Dân bắt tay vào thực hiện ngay dự án của mình. Anh chọn Vĩnh phúc là vùng đất của giống ớt Mỹ Nhân Vương. Một lần nữa, anh lại vấp phải khó khăn trong việc thuyết phục bà con nông dân trồng giống ớt của mình. Nhiều đên trăn trở không ngủ, anh Dân đã tìm đến sự trợ giúp của giáo sư Nguyễn Lân Dũng tác động đến chính quyền và người dân. Ban đầu anh chọn vùng Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo và Vĩnh Tường để trồng ớt. Anh cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tận tình xuống tận nơi để hướng dẫn cách chăm sóc ớt cho từng hộ dân.

Anh mở quy mô trồng ớt Mỹ Nhân Vương trên diện tích 500ha, giao cho hơn 600 hộ dân chăm sóc. Theo anh Dân, ở Trung Quốc, ớt Mỹ Nhân Vương chỉ trồng được 1 vụ do có mùa Đông băng giá, nhưng ở Việt Nam khí hậu cho phép trồng được quanh năm. Vòng đời của một cây ớt là 6 tháng, ớt giống sau khi gieo 20 ngày có thể đem ra trồng. Ớt trồng 4 tháng sau có thể cho thu hoạch, cách 1-2 ngày lại thu hoạch một lần, nếu chăm sóc tốt thì ớt có thể cho thu hoạch đến 2 tháng liền.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng ớt đang vào vụ, anh Dân chỉ cho chúng tôi xem những quả ớt Mỹ Nhân Vương đỏ chót, dài đến hơn gang tay, ớt có vị cay mạnh, mới đầu nếm vào có vị ngọt sau đó cay dần. Anh chia sẻ, “Nhờ nghiên cứu trồng thành công 2 cây ớt trên 1 gốc nên năng suất ớt của anh cao gấp đôi, đạt 50-60 tấn/ha”. Anh Dân là người đầu tiên thành công trong việc trồng 2 cây ớt trên một gốc. Anh Dân vạch từng tán lá chỉ cho chúng tôi xem, mỗi gốc ớt của anh có từ 15-17 tấng lá, có gốc cho đến cả trăm quả. Đến vụ ớt, anh Dân và các kỹ sư của mình trực tiếp ngày đêm “ăn nằm” tại ruộng để chăm sóc sâu bệnh cho ớt, “chỉ một vài cây bị bệnh là sẽ lan ra cả ruộng, không cẩn thận là mất mùa ngay”- anh Dân cho biết.

Từ việc trồng thành công giống ớt Mỹ Nhân Vương cung cấp cho các nhà hàng, anh Dân còn thành lập Công ty Cổ phần STEVIA VENTURET chuyên thu mua và chế biến ớt xuất khẩu. Đến nay anh công ty của anh đã xuất khẩu ớt sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhiều bạn hàng của công ty anh còn sang tân nơi để đặt hàng. Anh đã làm nên thương hiệu ớt riêng ở Việt Nam.
Anh Dân tâm sự: Nhiều lúc nghĩ đến thành quả mình xây dựng nên thì thấy hạnh phúc, tuy nhiên nhiều lúc thấy mệt mỏi, nhà thì ơt Hà Nội, trồng ớt ở các huyện, công ty lại ở Gia Khánh - Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), chuyện đi lại đã là một khó khăn với anh. Nhưng không vì thế mà anh từ bỏ ước mơ với giống ớt Mỹ Nhân Vương này.
Anh Dân và giống ớt Mỹ Nhân Vương của mình đã mang lại diện mạo mới cho cuộc sống người dân vùng quê nông thôn ở Vĩnh Phúc. Công ty thu mua ớt của anh còn tạo việc làm cho cho hàng trăm lao động và các kỹ sư nông nghiệp trong nước.
Dám từ bỏ và dám ước mơ, chàng tiến sĩ Nguyễn Văn Dân đã làm nên thành công và xây dựng được thương hiệu riêng của mình. Thành công của anh Dân sẽ là một tấm gương sáng truyền lửa cho các thế hệ thanh niên kế tiếp để có nhiều hơn nữa những trí thức trẻ làm giàu chân chính từ trí tuệ, sức trẻ trên mảnh đất quê hương.

-st-
Read more…